60/63 địa phương ban hành chính sách miễn, giảm phí, lệ phí sử dụng dịch vụ công trực tuyến

Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, toàn quốc có 60/63 địa phương ban hành chính sách miễn, giảm phí, lệ phí sử dụng dịch vụ công trực tuyến. 

Về hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy chuyển đổi số

Các bộ, ngành đã nỗ lực, tập trung hoàn thiện một số luật, đề nghị xây dựng luật và các nghị định của Chính phủ, bao gồm: ban hành 03 Nghị định; hoàn thiện 01 Luật (sửa đổi) trình Chính phủ, trình Quốc hội ban hành; 02 đề nghị xây dựng Luật; 10 Nghị định, trong đó, 03 Nghị định đang lấy ý kiến thành viên Chính phủ để ban hành; 03 Nghị định đã hoàn thiện theo ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, đã trình Chính phủ xem xét ban hành; 02 Nghị định đã được Bộ Tư pháp thẩm định, Cơ quan chủ trì đang hoàn thiện trình Chính phủ ban hành; 01 Nghị định đã gửi hồ sơ sang Bộ Tư pháp thẩm định; 01 Nghị định đã hoàn thiện dự thảo đang lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương .

Các địa phương tiếp tục xây dựng, ban hành chính sách miễn, giảm phí, lệ phí để thúc đẩy người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT). Toàn quốc có 60/63 địa phương ban hành chính sách miễn, giảm phí, lệ phí sử dụng DVCTT. 

Về lãnh đạo, điều hành triển khai hoạt động chuyển đổi số

Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã tổ chức 01 hội nghị chuyên đề thúc đẩy số hóa ngành nông nghiệp. Phó Thủ tướng Lê Minh Khái và Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đồng chủ trì phiên họp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, hoàn thiện Nghị định sửa đổi Nghị định số 73/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Đến nay, có 25 bộ, ngành, địa phương (02 bộ, ngành; 23 địa phương) ban hành Kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số năm 2024; 11 bộ, ngành, địa phương có kế hoạch kiểm tra, giám sát hoạt động chuyển đổi số năm 2024; 22 bộ, ngành và 63 địa phương đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi số năm 2024.

Về phát triển dữ liệu số

Đến hết tháng 5/2024, đã có 17 bộ, ngành (tăng 03 cơ quan so với tháng 4/2024) và 54 địa phương (tăng 03 so với tháng 4/2024) đã ban hành hành danh mục cơ sở dữ liệu (CSDL) theo quy định (đạt tỷ lệ 81,2%). CSDL quốc gia về dân cư đã kết nối với 18 bộ, ngành; 63 tỉnh, thành phố và 04 doanh nghiệp, đồng bộ thành công 269.247.289 triệu thông tin người dân. Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) đã thiết lập được 388 điểm kết nối giữa các hệ thống và CSDL của 95 cơ quan, đơn vị, hàng ngày có khoảng 2,29 triệu giao dịch qua Nền tảng.

Về phát triển hạ tầng số

Đến nay, có 81,7% (tăng 1,5% so với tháng 4/2024) hộ gia đình sử dụng cáp quang Internet băng rộng và 100% xã, phường, thị trấn kết nối Internet cáp quang. 82,9% thuê bao điện thoại di động sử dụng điện thoại thông minh; 256/1077 điểm lõm sóng được phủ sóng di động.

Về phát triển Chính phủ số, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cung cấp DVCTT cho người dân, doanh nghiệp

Các bộ, ngành đã đơn giản hóa 750/1.086 (đạt 69%) thủ tục hành chính (TTHC) theo các Nghị quyết về đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân; 80,53% TTHC được cung cấp dưới dạng DVCTT (tăng 0,09% so với tháng 4/2024); 47,79% TTHC được cung cấp dưới dạng DVCTT toàn trình.

Cổng Dịch vụ công quốc gia đã cung cấp trên 4.515 DVCTT, trên 15,5 triệu tài khoản, hơn 322 triệu hồ sơ đồng bộ và đã có trên 49,1 triệu hồ sơ nộp, hơn 27,8 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 13.778 tỷ đồng; hơn 491.000 cuộc gọi tới tổng đài. Các bộ, ngành, đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ hoàn thành việc kết nối, tích hợp, cung cấp 25/25 dịch vụ công theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 và 18/28 dịch vụ công theo Quyết định số 422/QĐ-TTg ngày 04/4/2022 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ đã phục vụ 02 hội nghị, phiên họp, xử lý 71 phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ, thay thế 16.343 hồ sơ, tài liệu giấy. Lũy kế đến nay, hệ thống đã phục vụ 97 hội nghị, phiên họp của Chính phủ và thực hiện xử lý 2.236 phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ, thay thế 762.529 hồ sơ, tài liệu giấy. 

Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, Trung tâm thông tin chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã cập nhật được 564 file dữ liệu lên kho dữ liệu nội dung; Xây dựng infographic về tình hình kinh tế - xã hội phục vụ Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2024, đã có 69/179 chế độ báo cáo được tích hợp hoặc nhập liệu trực tiếp trên Hệ thống.

Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kết nối, liên thông các hệ thống thông tin báo cáo, các CSDL quốc gia, CSDL chuyên ngành của 15 bộ, cơ quan, tập đoàn, tổng công ty nhà nước và 63 địa phương để cung cấp thông tin, dữ liệu với 167/200 chỉ tiêu kinh tế - xã hội; 38 chỉ tiêu thông tin trực tuyến; hình thành 04 bộ chỉ số về điều hành, thống kê, theo dõi, giám sát và kinh tế - xã hội của địa phương; hình thành kho dữ liệu tổng hợp với trên 300 chỉ tiêu kinh tế - xã hội; xây dựng và cung cấp ấn phẩm thông tin đồ họa về tình hình kinh tế - xã hội phục vụ phiên họp Chính phủ thường kỳ hàng tháng.

Về phát triển kinh tế số và xã hội số

Triển khai giải pháp hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền chống thất thu thuế, thất thu ngân sách: Đã có hơn 54.620 doanh nghiệp, hộ kinh doanh sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền (tăng 11.902 doanh nghiệp so với tháng 3) với hơn 342,78 triệu hóa đơn.

Tiếp tục Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số: Tính đến ngày 20/5/2024, số lượt doanh nghiệp tiếp cận Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số là 1.202.595; số lượng doanh nghiệp sử dụng các nền tảng của Chương trình là: 319.911.

Phát triển công dân số: Bộ Công an đã cấp trên 86 triệu thẻ căn cước công dân gắn chíp và thu nhận trên 75,16 triệu hồ sơ định danh điện tử, kích hoạt trên 53,88 triệu tài khoản (71,68%). 100% cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế sử dụng căn cước công dân gắn chip. Có 08 ứng dụng di động có số lượng người dùng đạt trên 10 triệu.

Thanh toán không dùng tiền mặt: trên 77% người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán tại ngân hàng. Đã có 2.067.028 đối tượng được hưởng an sinh xã hội được cấp tài khoản, trên 1,4 triệu đối tượng được nhận trợ cấp qua tài khoản, đạt 28,35%. Có hơn 8,5 triệu khách hàng sử dụng Mobile Money, trong đó hơn 6,1 triệu khách hàng ở khu vực nông thôn, miền núi. Tổng số lượng giao dịch bằng Mobile Money là hơn 109 triệu giao dịch, với tổng giá trị giao dịch hơn 4.181 tỷ đồng.

Về an toàn thông tin mạng

Bộ Thông tin và Truyền thông đã ghi nhận, cảnh báo và hướng dẫn xử lý 274 cuộc tấn công mạng tại Việt Nam; đến nay, 80,3% tổng số hệ thống thông tin đã rà soát phân loại và thực hiện bảo vệ theo cấp độ./.

Mạnh Tuyền - Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ

Nguồn: tcnn.vn